Được xây dựng năm 1902, cầu ngói Phát Diệm là một trong những cây cầu có kiến trúc độc đáo ở nước ta hiện nay. Cầu có dáng cầu vồng, bên trên lợp ngói… không chỉ có chức năng giao thông, cầu còn là điểm hẹn văn hóa của người dân địa phương qua nhiều thế hệ.
Cầu ngói Phát Diệm, huyện Kim Sơn, Ninh Bình
Được xây dựng năm 1902, cầu ngói Phát Diệm là một trong những cây cầu có kiến trúc độc đáo ở nước ta hiện nay
Nguyên liệu làm cầu chủ yếu là gỗ và ngói
Cầu có 3 nhịp, mỗi nhịp 4 gian, dài 36m, rộng 3m
Trải qua hơn 100 năm, cây cầu ngói Phát Diệm vẫn giữ nguyên được dáng cầu vồng
Với mái ngói, 12 gian, cây cầu như một ngôi đình làng
Năm xây dựng cầu được ghi trên mái, gian chính giữa của cây cầu
Hai bên là hai hàng cột gỗ lim rắn chắc
Các lan can cầu được làm bằng song gỗ lim
Mái ngói được lợp theo kiểu truyền thống
Cầu chỉ dành riêng cho người đi bộ, các phương tiện khác đi qua đây rất khó do có các bậc tam cấp
Người già, trẻ em đến vui chơi bên trên cầu. Đây là điểm hẹn từ nhiều năm nay của người dân địa phương
Một số nơi trên cầu đã có dấu hiệu mục nát, xuống cấp
Hơn 100 năm qua, cây cầu ngói Phát Diệm luôn là niềm tự hào của người dân thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Cây cầu này không chỉ là cây cầu để qua lại bình thường mà còn là một công trình văn hóa rất ý nghĩa. Cùng với Chùa Cầu ở Hội An (Quảng Nam), cầu ngói Thanh Toàn ở huyện Hương Thủy (Thừa Thiên Huế), cầu ngói Phát Diệm, huyện Kim Sơn là một trong những cây cầu có kiến trúc độc đáo nhất ở nước ta hiện còn lưu giữ, bảo tồn đến ngày nay.
Huyện Kim Sơn xưa kia vùng đất sình lầy ven biển, ông Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) là người đã có công lớn trong việc khai sinh, mở rộng và ghi danh vùng đất này trên bản đồ Việt Nam. Trong thời gian lấn biển mở rộng diện tích đất nơi đây, cùng với việc lấn đất bãi bồi ven biển mở làng, ông đã cho xây dựng hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt về thau chua rửa mặn. Sông Ân chảy qua thị trấn Phát Diệm là một công trình thủy lợi được ông cho xây dựng trong nhiều năm, lấy nước ngọt từ đầu nguồn về đây rửa mặn để người dân sản xuất được thuận lợi.
Khi có con sông này, việc đi lại của người dân hướng về phía biển mở rộng diện tích đất gặp nhiều khó khăn, Nguyễn Công Trứ đã cho xây dựng một cây cầu nối đôi bờ sông Ân. Ban đầu cầu được xây dựng bằng thân những cây gỗ to, những tấm gỗ lớn, cầu rộng để cho người dân đi lại thoải mái. Do thời gian bị hư hại, đến năm 1902 cây cầu này được thay thế bằng một cây cầu ngói. Cây cầu ngói có kiến trúc cổ xưa được làm hoàn toàn bằng gỗ, bên trên lợp ngói…
Trải qua hơn 100 năm, cầu ngói Phát Diệm ngày nay vẫn còn giữ được nguyên dáng vẻ của chiếc cầu xưa. Cầu có dáng cong cầu vồng, bên trên lợp ngói, hai bên là hai hàng cột gỗ và những song gỗ lim làm lan can rất chắc chắn. Cầu có 3 nhịp, mỗi nhịp có 4 gian. Chiều dài của cây cầu này là 36m, chiều rộng là 3m. Phía hai bên đầu cầu có các bậc tam cấp, chỉ người đi bộ mới qua được cầu.
Ông Nguyễn Văn Cảnh (70 tuổi) một người dân ở thị trấn Phát Diệm sống gần cây cầu chia sẻ: “Khi tôi sinh ra và lớn lên thì đã thấy có cây cầu này rồi. Cầu đã hơn 100 năm tuổi, quá quen thuộc với người dân chúng tôi nhưng mỗi khi đi qua mọi người ai cũng rất thích và tự hào. Khi còn nhỏ, có ngày tôi đi qua cầu đến cả chục lần. Vào những buổi trưa hay buổi tối mùa hè, từ người già, thanh niên đến trẻ con ở đây đều ra cầu chơi, hóng mát. Cây cầu như là điểm hẹn của người dân Phát Diệm chúng tôi vậy”.
Cũng theo ông Cảnh, cầu được xây dựng chủ yếu bằng gỗ và ngói, do thời tiết khắc nghiệt nên có một số hạng mục ở trên cầu bị xuống cấp, được tu sửa lại cho chắc chắn nên hiện nay có các mố và rầm được làm bằng xi măng, sắt thép.
Với người dân Phát Diệm, cây cầu ngói này không chỉ có chức năng giao thông qua lại mà còn như một mái đình làng cổ kính, điểm hẹn văn hóa thân thuộc, nơi giao lưu hẹn hò của thanh niên nam nữ, là niềm tự hào của người dân nơi đây với du khách mỗi khi đến tham quan.
Nguồn: Dân Trí
0 Nhận xét